Giờ đây, hầu hết các mẫu xe đời mới đều có túi khí, nhưng nếu không tuân theo những chỉ dẫn an toàn thì trang bị này lại có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng cho người ngồi trên xe.
Dưới đây là một số việc cần tránh đối với các xe có trang bị túi khí:
Lắp thêm khung cản trước
Các cảm biến giúp phát hiện va chạm và truyền tín hiệu cần bung túi khí nằm ở phía trước xe. Do đó, nếu xe được lắp thêm khung cản trước thì có thể khiến các cảm biến không nhận biết được tai nạn một cách chuẩn xác nên hệ thống túi khí có thể sẽ không bung kịp thời để bảo vệ người ngồi trên xe.
Trong một số trường hợp, túi khí thậm chí không bung do khung cản trước lắp thêm..
Gác chân lên táp-lô
Nhiều người ngồi ghế phụ phía trước có thói quen gác chân lên táp-lô cho đỡ mỏi. Tuy nhiên, nếu xe được trang bị túi khí trước bên ghế phụ thì việc làm này rất nguy hiểm. Túi khí bung ra có thể làm gãy chân. Đã có một số trường hợp, người ngồi bên ghế phụ thậm chí còn bị mất chân do lực tác động quá mạnh từ túi khí.
Ngay cả với các xe không được trang bị túi khí phía trước ghế phụ thì việc gác chân lên táp-lô cũng vẫn nguy hiểm vì có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Ngồi quá gần vô-lăng
Túi khí bên ghế lái luôn được lắp trong vô-lăng. Nhiều tài xế có thói quen chỉnh ghế ngồi sát vô-lăng vì nghĩ như vậy sẽ giúp quan sát phía trước tốt hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra va chạm, việc túi khí bung ra có thể gây chấn thương vùng mặt và ngực của tài xế.
Ngoài ra, việc tài xế ngồi quá sát vô-lăng sẽ khiến túi khí không có đủ thời gian để nổ hết cỡ và tạo lớp đệm đủ an toàn để bảo vệ tài xế. Tốt nhất, các tài xế nên giữ khoảng cách an toàn với vô-lăng.
Việc đầu tiên khi ngồi vào ghế lái là bạn hãy bỏ hết vật dụng trong túi quần ra hốc để đồ trung tâm hoặc các khu vực để đồ khác, bởi chúng sẽ gây ảnh hưởng một phần tới tư thế lái tối ưu của bạn.
Tiếp đến, đảm bảo rằng vị trí ngồi của mình lùi sát về phía sau hết mức có thể để đảm bảo lưng thẳng, hãy dựa hoàn toàn vào lưng ghế và vuông góc với gầm xe. Nếu được, hãy chỉnh tựa đầu sao cho đỉnh tựa đầu trùng khớp với đỉnh đầu mình.
Đầu gối và khuỷu tay của người lái chỉ nên dừng ở mức hơi gập vào đôi chút để điều khiển bàn đạp và vô-lăng, không nên giữ tay/chân quá thẳng bởi như vậy sẽ bị với và khó thao tác, không thoải mái. Khi xoay vô-lăng, vai người lái phải chạm được vào lưng ghế phía sau.
Không cài dây an toàn
Không cài dây an toàn khi đi ô tô rất nguy hiểm, đặc biệt là với xe có túi khí. Túi khí ô tô luôn được thử nghiệm cùng với dây an toàn, một số xe thậm chí không kích hoạt túi khí nếu dây an toàn chưa được cài, nhằm tránh cho người ngồi trên ghế khỏi bị chấn thương nếu túi khí bung.
Lắp bọc ghế
Ngày càng nhiều mẫu xe được trang bị cả túi khí bên. Loại túi khí này được lắp bên trong ghế ngồi, và bọc ghế được thiết kế để dễ dàng rách bung ra khi nổ túi khí. Do đó, việc sử dụng bọc ghế với xe có trang bị túi khí bên có thể cản trở việc bung túi khí, từ đó gây hại cho người ngồi trong xe.
Bày đồ trang trí trên táp-lô
Việc trưng bày hoặc dính các vật trang trí trên táp-lô cả có trang bị hai túi khí trước có thể gây nguy hiểm nếu xảy ra va chạm và túi khí bung ra.
Khi xảy ra va chạm, túi khí sẽ nổ với tốc độ rất nhanh (10-25 phần nghìn giây) và tạo ra lực rất mạnh. Do đó, các hãng xe, cũng như các tổ chức an toàn, đều khuyến cáo không nên trang trí hoặc lắp thêm đồ vật trên hệ thống túi khí của lái xe và hành khách phía trước.
Đồ trang trí, khung ảnh... tất cả đều có thể trở thành vũ khí tấn công người ngồi trên xe trong trường hợp xảy ra va chạm, đặc biệt là khi túi khí bung ra.
Để trẻ ngồi ghế trước mà không tắt túi khí
Hầu hết các xe đời mới đều có móc ISOFIX ở ghế sau để cố định ghế trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xe không được trang bị móc ISOFIX, mà có túi khí. Nhiều bậc phụ huynh lắp ghế trẻ em ở ghế trước và không tắt túi khí; điều này cực kỳ nguy hiểm.
Hình cảnh báo trên được dán trên tất cả các xe đã minh hoạ khá đầy đủ những nguy cơ mất an toàn khi để trẻ ngồi phía trước mà không tắt túi khí. Lý do là như đã đề cập ở trên, trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí sẽ bung rất nhanh và với lực rất mạnh, có thể đẩy đứa trẻ về sau và gây chấn thương. Trẻ nhỏ không cần túi khí bảo vệ, vì với chiều cao giới hạn, trẻ em hầu như không có nguy cơ bị đập đầu vào táp-lô (với điều kiện được cài dây an toàn).