Trong tờ trình gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ quyết định tăng thuế gấp 2,5 lần mức thuế hiện hành, từ 60% lên 150% đối với loại xe có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3. Như vậy, với mức tăng này thì giá xe hơi đến năm 2018 sẽ khó giảm.
Phương án mà Chính phủ đưa ra giống với phương án trước đó của Bộ Công thương đề xuất.
Cụ thể, xe ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3 sẽ tăng thuế từ 60% lên 90%. Loại có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3 tăng thuế từ 60% lên 110%. Loại có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3 tăng thuế từ 60% lên 130%.
Tăng cao nhất là loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 với mức tăng gấp 2,5 lần mức thuế hiện hành, từ 60% lên 150%.
Chính phủ cũng chọn phương án giảm thuế TTĐB đối với dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 với mức giảm từ 5-25%.
Lý do Chính phủ đưa ra các mức tăng này là bởi đây là những dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.
Trước đó, Chỉ đạo tại cuộc họp vào tháng 7/2015, Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ và áp dụng "mức thuế cao và đặc biệt cao" đối với các dòng xe đến 9 chỗ ngồi có dung tích trên 3.000 cm3. Điều này đặt các hãng xe sang trước một thách thức cạnh tranh mới.
Do đó, giữa tháng 8, Bộ Tài chính đã nêu phương án giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt dòng xe dưới 2.000 cm3 từ 45% như hiện hành về 30-40%.
Ngược lại, các dòng xe phân khối lớn từ 2.000 cm3 trở lên, xe đắt tiền, tiêu hao nhiều nhiên liệu... sẽ phải chịu mức thuế suất cao, từ 60-75%. Theo dự kiến của Bộ Tài chính, mức thuế suất mới áp dụng từ đầu tháng 7/2016 và sẽ giảm 5% vào đầu năm 2018.
Như vậy, ngay cả đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu xe về 0% thì các loại xe hơi cũng khó lòng giảm giá bởi thuế tiêu thụ đặc biệt đã tăng gấp 2,5 lần.