Với sự linh hoạt và nhậy bén của mình, Thái Lan đã khẳng định vị trí của mình tại thị trường xe hơi Việt Nam, vượt xa đối thủ nặng ký đã từng rất nặng ký là Trung Quốc. Họ đã làm điều đó như thế nào?
Thái Lan đã trở thành nơi sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất trong khu vực
Nhu cầu mua xe dịp cuối năm tăng đột biến đã khiến một số đại lý ô tô ở TP.HCM không còn xe để bán, khách hàng phải dài cổ chờ các hãng nhập về.
“Sức mua ô tô tăng mạnh đến mức chúng tôi hết xe để trưng bày. Đáng chú ý là hiện nay những dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan được người Việt ưa chuộng hơn hẳn các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như xe nhập từ Ấn Độ, Hàn Quốc…” - ông Phạm Vũ, đại diện kinh doanh đại lý chính thức Honda ô tô Việt Nam (đường ba tháng hai, quận 11, TP.HCM), cho biết.
Người Việt mê xe Thái
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), có đến 3.193 ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ Thái Lan trong tháng 11, đạt giá trị kim ngạch hơn 60,5 triệu USD. Trong khi nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc cùng thời điểm trên chỉ đạt 1.446 chiếc, giá trị 58 triệu USD.
Như vậy, với con số “khủng” trên, xe Thái Lan nhập vào Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc. Trong các dòng xe nhập từ đất nước chùa vàng, xe bán tải (pick up) được nhiều người mua nhất.
Ông Đức Minh ở quận 5, TP.HCM nói không chỉ ông mà nhiều người bạn của ông cũng mua xe bán tải Thái Lan. Lý do là loại xe này tiết kiệm nhiên liệu và đa năng - vừa chở được tới năm người, vừa chở được hàng (trên dưới một tấn).
“Nhiều người đánh giá ô tô bán tải là một trong những lựa chọn tốt cho nhu cầu đi lại lẫn sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, các mẫu xe bán tải về Việt Nam giá dao động 700-900 triệu đồng nên có lợi thế khá lớn so với các dòng xe khác” - ông Minh phân tích.
Trong khi đó, anh Huy Hải nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM nói anh quyết định mua xe nhập từ Thái Lan do chất lượng được cho là cao hơn xe lắp ráp tại Việt Nam. Thêm nữa, lâu nay một số sản phẩm được nhập từ Thái Lan như Honda Dream, Honda Air Blade… gây được ấn tượng khá tốt đối với người Việt. Do vậy, nếu phải lựa chọn giữa hai sản phẩm với mức giá chênh lệch nhau không đáng kể, nhiều người sẽ chọn xe nhập Thái Lan.
Là hãng nhập khẩu nhiều xe Thái Lan, ông Trương Kim Phong, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Ford Việt Nam, nhìn nhận Thái Lan được xem là nơi sản xuất xe bán tải nhất nhì thế giới. Công nghệ sản xuất, lắp ráp của nước này cũng được đánh giá là đạt trình độ cao ngang ngửa xe sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Né thuế
Nhưng không chỉ dòng xe bán tải nhập từ Thái Lan “cháy hàng” mà hàng loạt thương hiệu khác như Nissan, Toyota, Mazda… nhập từ nước này cũng đang làm “mê mẩn” người Việt.
Lý giải về điều này, đại diện một công ty nhập khẩu ô tô cho rằng nguyên nhân lượng ô tô nhập khẩu tăng đột biến thời gian qua, nhiều nhất từ Thái Lan là do các hãng xe muốn né thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, theo Nghị định 108 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, kể từ 1-1-2016, thuế với xe nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi sẽ được tính dựa trên giá bán buôn (giá hãng đưa tới đại lý) thay vì giá vốn như trước đây.
Với cách tính thuế mới, giá bán lẻ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc có thể sẽ tăng lên khoảng 15%-30% so với hiện nay tùy dòng xe, xuất xứ và dung tích động cơ. Vì vậy, nhiều hãng xe đua nhau nhập về số lượng lớn để tránh phải trả thêm chi phí khá lớn do thuế tăng.
Ngoài lý do trên, đại diện Công ty Cổ phần
Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết thêm riêng ô tô bán tải đang được hưởng ưu đãi rất lớn từ chính sách thuế của Việt Nam. Chẳng hạn, một ô tô bán tải nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hiện chỉ phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 5%. Điều này lý giải vì sao xe bán tải từ Thái Lan tràn vào Việt Nam nhiều hơn các dòng xe khác.
Sự phát triển thần kỳ
Đại diện một số hãng xe cho hay xe nhập ngoại, nhất là xe Thái Lan tràn ngập thị trường đang gây sức ép mạnh đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Câu hỏi đặt ra là vì sao ngành công nghiệp ô tô Thái Lan thành công, “bành trướng” thị trường Việt trong khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thất bại? Trả lời câu hỏi này, nhiều hãng xe trong nước và các chuyên gia thừa nhận hiện nay Thái Lan đã trở thành nơi sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất trong khu vực. Có được thành công này là nhờ chính phủ Thái Lan áp dụng hàng loạt chính sách hợp lý để thu hút các hãng xe hàng đầu thế giới như Ford, Toyota, Honda, Nissan… đến đầu tư.
Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất xe hơi và phụ tùng của Nhật cũng đang chuyển dần nhà máy từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và Thái Lan được coi như một lựa chọn thay thế hợp lý nhất.
Đặc biệt Thái Lan hấp thụ rất nhanh kinh nghiệm sản xuất và công nghệ sản xuất, lắp ráp xe hơi từ các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này lý giải vì sao Việt Nam mới chủ yếu dừng lại ở khâu lắp ráp, còn Thái đã có công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô tiên tiến.
Trong đó nổi bật nhất là dòng xe bán tải. Thái Lan coi đây là sản phẩm chiến lược của ngành ô tô nên ưu đãi đầu tư rất lớn, biến nước này “thành trung tâm thế giới” về dòng xe trên. “Người Thái đã đầu tư phát triển dòng xe bán tải nhắm đến đối tượng khách hàng là những người sống tại khu vực đô thị. Do đó dòng xe này được thiết kế mạnh mẽ của các mẫu xe Mỹ, nội thất bọc da và được trang bị nhiều tính năng công nghệ hiện đại” - đại diện một hãng xe nhìn nhận.
Tiêu thụ ô tô cao nhất từ trước đến nay
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay 11 tháng đầu năm nay thị trường ô tô Việt Nam đã đạt mức kỷ lục bán ra 215.517 xe. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Nếu giữ đà tăng trưởng đến cuối năm, doanh số toàn ngành có thể đạt tới 230.000-240.000 xe, vượt xa con số 150.000 dự đoán đầu năm.
Cũng trong 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu từ Thái Lan 23.516 chiếc với giá trị hơn 406 triệu USD.
Nền công nghiệp ô tô Việt Nam cũng bắt đầu từ cuối những năm 1960 như Thái Lan nhưng đến nay Việt Nam chỉ mới luẩn quẩn ở việc lắp ráp, nhập khẩu nguyên chiếc. Do chỉ gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng không đáng kể.