Một trong những “triệu chứng” đầu tiên và cũng dễ phát hiện nhất là đèn cảnh báo phanh. Nếu đèn phanh trên bảng điều khiển bật sáng có nghĩa là vấn đề gì đó đã xảy ra với hệ thống phanh. Bởi vậy, đừng chần chừ mà hãy đem xế yêu đi kiểm tra trước khi quá muộn.
Má phanh có thể bị mòn và phát ra tiếng rít hay cót két khi người lái đạp chân phanh. Nếu nghe thấy những âm thanh lạ này, má phanh cần được thay thế để tránh làm hỏng đĩa phanh và đảm bảo an toàn. Chi phí thay thế đĩa phanh sẽ tốn kém hơn nhiều nếu để hư hỏng quá lâu.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hệ thống cảnh báo má phanh mòn không hoạt động, nghĩa là không có bất kỳ tiếng ồn nào phát ra từ vị trí bánh xe. Lúc này, một dấu hiệu khác có thể giúp phát hiện ra là đạp nhẹ chân phanh, phanh đã chạm sàn nhưng không phát huy tác dụng.
Cũng có thể, người lái sẽ cảm thấy phải dùng rất nhiều sức mới phanh mới hoạt động. Nguyên nhân thường xảy ra là do trợ lực phanh bị hỏng hoặc đường ống dẫn dầu bị tắc, áp lực dầu tăng cao nhưng không đi đến được cơ cấu phanh.
Có thể lúc nào đó khi hãm phanh, chiếc xe lại cảm giác như muốn rẽ, đó là do cụm phanh bị hỏng, ma sát chỉ xuất hiện trên một bánh xe mà không phải những bánh còn lại.
Mặc dù vậy, không phải lúc nào cảm giác xe bị kéo sang một bên cũng là biểu hiện cho thấy hệ thống phanh gặp vấn đề. Nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ lốp xe hoặc hệ thống treo trên phương tiện.
Nhìn chung, phanh là bộ phận dễ bị mài mòn và nên thường xuyên được kiểm tra, thay mới để đảm bảo an toàn cho cả người và phương tiện. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của phanh, bao gồm chất lượng vật liệu, điều kiện vận hành, loại phương tiện và tất nhiên là cả thói quen lái xe của mỗi người