Trên những chiếc xe hơi, khung xe dạng body-on-frame (chassis rời) và dạng unibody (liền khối) có những ưu nhược điểm khác nhau mà tùy vào mục đích sử dụng, chúng được sử dụng cho những loại xe khác nhau.
Cánh đàn ông đam mê xe hơi vẫn thường tranh luận về phần xương sống của những chiếc xe, thứ tạo nên cốt cách và tinh thần của những chiếc ô tô. Quả thật, phần khung sườn xe đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc vận hành của mỗi chiếc xe.
Cho dù trong giai đoạn công nghiệp ô tô hiện nay, các công nghệ hỗ trợ đã giúp cho hai kiểu khung xe body-on-frame và unibody tiến gần tới nhau hơn, nhưng những ưu nhược điểm của cả hai vẫn còn khá rõ nét.
Body-on-frame: Từ SUV tới xe tải và xe chuyên dụng
Cấu trúc khung xe dạng chassis rời, hay còn gọi là body-on-frame, là dạng cấu trúc cơ bản của những chiếc ô tô truyền thống. Phần khung xe được làm riêng biệt bằng kim loại, là cột sống và cũng là giá đỡ cho phần thân xe đặt lên trên.
Với thiết kế chassis rời của body-on-frame, chiếc xe có thể chịu được lực xoắn lên thân xe rất lớn vì khung sườn này vô cùng chắc chắn, có khả năng chịu lực, chịu tải cao và khả năng vượt địa hình vượt trội do khung gầm cứng chắc.
Cấu trúc chassis rời được chia sẻ cho các mẫu xe khác nhau
Những ưu điểm khác của body-on-frame là nó có thể được sản xuất hàng loạt và chia sẻ cho nhiều mẫu xe khác nhau, tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời dễ dàng sửa chữa khi gặp tai nạn hay va chạm.
Nhược điểm của chassis rời là nó có trọng lượng nặng hơn cấu trúc liền khối do phần khung sườn rời nặng, đồng thời gầm xe cao hơn cũng khiến xe có khả năng ổn định thấp hơn khi vào cua, cho dù có công nghệ hỗ trợ.
Những ưu điểm của cấu trúc khung xe dạng chassis rời khiến nó hết sức phù hợp khi áp dụng lên những chiếc SUV, xe tải và xe chuyên dụng. Tại Việt Nam, bên cạnh những chiếc xe tải, thì hai chiếc SUV nổi bật trên thị trường sử dụng chassis rời là
Toyota Fortuner và Ford Everest, đều là SUV 7 chỗ. Tương ứng với hai dòng xe trên là hai chiếc xe bán tải sử dụng chung khung gầm, Toyota Hilux và Ford Ranger.
Unibody: Điển hình của những chiếc crossover
Thời đại crossover đang bùng nổ và xâm chiếm ngành công nghiệp ô tô thế giới. Người dùng giờ đây yêu thích những chiếc xe trông to lớn, bệ vệ và không gian rộng rãi như SUV, nhưng lại phải có khả năng hoạt động êm ái và chắc chắn như những chiếc sedan, đó là lý do crossover được tạo nên.
Crossover có thể kém hơn hẳn SUV ở khả năng off-road, nhưng nó lại là sản phẩm đáng tin cậy trên những cung đường cao tốc hay đường đô thị, vốn phổ biến hơn rất nhiều.
Cấu trúc thân xe liền khối xuất hiện trên hầu hết những chiếc sedan
Cấu trúc khung xe liền khối unibody chính là thứ tạo nên sự khác biệt giữa 1 chiếc SUV truyền thống với 1 chiếc crossover, cho dù nhiều người, kể cả các hãng xe hơi, lúc thì gọi là SUV, lúc thì gọi là crossover.
Cấu trúc khung xe liền khối unibody được sử dụng rộng rãi trong phân khúc xe du lịch, từ xe nhỏ, sedan tới những chiếc crossover. Những tấm thép được hàn với nhau tạo thành một bộ khung sườn và thân xe liền khối, không thể tách rời. Cấu trúc liền khối loại bỏ được phần chassis rời nặng nề, khiến chiếc xe có trọng lượng nhẹ hơn, nhưng cũng mất đi ưu điểm cứng chắc của phần khung gầm xe.
Ngày nay, cấu trúc thân xe liền khối ngày càng phổ biến trên những chiếc crossover
Có thể nói chính việc giảm được trọng lượng là thứ thúc đẩy sự phát triển của cấu trúc thân xe liền khối. Giảm trọng lượng đồng nghĩa với việc những chiếc xe có thể sử dụng động cơ dung tích nhỏ hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Bên cạnh ưu điểm về kinh tế, khung xe unibody còn có trọng tâm thấp hơn so với chassis rời, được cho là khiến xe có khả năng ổn định tốt hơn khi vào cua.
Nhược điểm của khung xe liền khối là nó sẽ rất khó sửa chữa nếu gặp tai nạn. Việc phục hồi hay thay thế những bộ phận bị ảnh hưởng bởi tai nạn trên chiếc xe có cấu trúc liền khối là phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều so với chiếc xe chassis rời, thậm chí phải bỏ đi toàn bộ chiếc xe do chi phí quá lớn.
Ngoài ra, với những vụ tai nạn đâm đụng cực kỳ nghiêm trọng ở tốc độ cao, hệ thống khung xe liền khối có thể bị vỡ vụn, trong khi đó hệ thống chassis rời với yếu tố xương sống cực kỳ vững chắc lại có thể cứu sống người ngồi bên trong xe.
Cấu trúc unibody có thể nát vụn trong những vụ tai nạn đâm đụng ở tốc độ cao
Tại Việt Nam, những chiếc crossover sử dụng cấu trúc thân xe liền khối là khá đa dạng, từ Mazda CX-5, Honda CR-V, Nissan X-trail tới
Hyundai SantaFe. Trong số những chiếc xe trên, nhiều chiếc xe tự gọi mình là SUV để “nâng tầm” trong khả năng off-road, tuy nhiên cấu trúc khung gầm dạng unibody khiến tất cả đều vắng bóng trong những sân chơi off-road.
Chọn SUV hay crossover?
Như vậy, việc chọn lựa mua một chiếc SUV thực thụ hay một chiếc crossover có thể nói chính là việc lựa chọn khung gầm body-on-frame hay unibody. Những công nghệ hỗ trợ tiên tiến đã giúp khắc phục điểm yếu của cả hai loại khung gầm, giúp cho những chiếc xe có chassis rời ổn định hơn và an toàn hơn khi vào cua, đồng thời giúp cho những chiếc xe liền khối có khả năng off-road tốt hơn, tuy nhiên ưu điểm của những mẫu xe vẫn được duy trì tạo nên sự khác biệt.
Nếu sử dụng nhiều chiếc xe trong thành thị và trên đường bằng phẳng, những chiếc crossover là lựa chọn tốt hơn, do độ êm ái khi di chuyển, độ ổn định khi vào cua và yếu tố tiết kiệm nhiên liệu. Chính vì vậy, cấu trúc unibody đang dần lấn lướt cấu trúc body-on-frame, đơn giản vì người dùng ở Mỹ, châu Âu hay châu Á, đều sử dụng ô tô ở đường bằng phẳng nhiều hơn là đường off-road.
Nếu người dùng muốn mua một chiếc xe mang lại khả năng off-road thực sự, khả năng lội nước, leo đèo vượt thác, một chiếc xe thật sự cứng chắc trước những va chạm, đồng thời dễ sửa chữa hơn, thì một chiếc SUV hay một chiếc xe bán tải với khung xe body-on-frame là lựa chọn tốt hơn hẳn.
Nếu bạn vừa muốn một chiếc xe phục vụ nhu cầu di chuyển hàng ngày, vừa muốn “đập phá” khi cần thiết, thì một chiếc xe với chassis rời có lẽ sẽ phù hợp hơn và kinh tế hơn. Với những ưu điểm và nhược điểm trái ngược nhau, nên cho dù có bị lấn át bởi cấu trúc thân xe liền khối unibody, thì cấu trúc chassis rời body-on-frame sẽ luôn tồn tại.