Chống bẻ trộm gương ôtô tại Việt Nam dường như là mối quan tâm hàng đầu của người dùng khi nạn ăn cắp phụ tùng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Với một chiếc
xế hộp đóng kín, thứ giá trị và dễ dàng khiến giới trộm cắp thèm muốn bên ngoài chính là cặp gương. Rẻ nhất với dòng xe bình dân thì giá từ vài tram nghìn đến tiền triệu một chiếc gương. Riêng xe hạng sang hoặc xe hàng hiếm thì gương xe có giá hàng chục triệu đồng, chưa kể nếu muốn nhập về thay thế có khi phải chờ đợi mòn mỏi. Những khó khăn này khiến giới chủ xe đành “tặc lưỡi” đi tìm chuộc lại chính món đồ mà kẻ gian vặt từ xe mình.
Cũng vì nạn trộm vặt gương xe hàng năm, đều đặn bất kể thời điểm nào cũng xảy ra nên trên thị trường cũng xuất hiện những dịch vụ gia tăng sự kiên cố cho chi tiết này. Bài viết này điểm lại một số phương pháp bảo vệ gương mà tài xế Việt đã áp dụng trong thời gian qua.
Vải thưa che mắt thánh
Bọc kín chiếc xe để tránh ánh mắt nhòm ngó của kẻ gian
Tơ hơ quá thì dễ gây kích thích tinh thần giới trộm cắp, vì thế nhiều người đã chọn mua các tấm bạt che giá vài trăm nghìn đến trên 1 triệu đồng để “bọc” chiếc xe của mình. Ngoài mục đích bảo vệ gương thì chiếc bạt bọc xe cũng góp phần chống bụi. Nhược điểm của phương pháp này là mất thêm thời gian.
Chiếc Bentley bọc vải vào gương khi đỗ ở quán ăn
Khóa, xích gương
Cái gì dễ mất thì phải khóa lại, tâm lý này vốn phổ biến ở cộng đồng đi xe máy thì giờ đây được áp dụng cho chiếc gương xe. Nhiều chủ xe cất công đặt thợ sắt làm những chiếc rọ có kích thước vừa vặn gương xe và dùng dây cáp hoặc xích để khóa lại. Thậm chí còn cầu kỳ hơn, có chủ xe còn tìm được bộ khóa gương có cấu tạo phức tạp. Phương pháp khóa, xích gương chỉ chống được nạn “cướp” gương chớp nhoáng, còn với kẻ trộm đã quyết tâm cao thì vấn đề chỉ còn là thời gian và địa điểm.
Bộ khóa cầu kỳ giúp bảo vệ gương
Nẹp mặt gương
Nhiều chủ xe đơn giản chỉ chọn phương án bảo vệ mặt gương để tránh rủi ro bị trộm nậy mất chi tiết này. Với chất liệu inox, các mặt gương được nẹp kín sẽ giúp loại bỏ khe hở giữa mép gương và vỏ củ gương, qua đó chống được nguy cơ bị chọc tuốc-nơ-vít nậy mặt gương. Cách làm này chỉ tốn vài trăm nghìn đồng tiền thi công nhưng không thể bảo vệ cả cụm gương nếu bị bẻ.
Mặt gương được nẹp inox
Nối dây cáp
Phương pháp nối dây cáp luồn qua lỗ dây điện để bảo vệ cụm gương ra đời đã được vài năm nay và ở hầu hết các cửa hàng nội thất xe hơi đều nhận thi công với giá từ 100 đến 150 nghìn đồng/gương. Khi gắn cáp, gương xe bị bẻ sẽ lòi ra sợi cáp nối với khung xe giúp cả cụm gương không bị mất. Tuy nhiên, với một chiếc kìm cắt sắt trong tay thì kẻ gian cũng dễ dàng nẫng mất gương chỉ sau vài giây.
Bên trong củ gương khi gắn dây cáp
Thay cốt sắt
Đây là phương pháp tự chế được thực hiện bởi một chủ xe Isuzu Dmax sau nhiều lần bị trộm bẻ gương. Chủ xe này đã thay phần lõi ống nhựa vốn để chạy dây điện và cũng là kết nối củ gương vào đế gương bằng ống lõi sắt. Tuy nhiên, cách làm này không thể triển khai đồng bộ với tất cả các dòng xe do thiết kế cụm gương khác nhau và phải mất thời gian chế thêm chi tiết cho phù hợp.
Ống nhựa vốn dùng để nối dây điện từ thân xe và củ gương sẽ được thay thế bằng ống sắt
Độ lại gương xe
Một cơ sở tại TP.HCM đã bắt đầu giới thiệu công nghệ độ gương xe chống mất cắp từ đầu năm 2013 với chi phí thực hiện 2,2 triệu đồng đối với các thương hiệu xe từ châu Âu. Xe Nhật là 1,9 triệu đồng và xe Hàn Quốc là 1,7 triệu đồng. Thời gian thực hiện khoảng 2 ngày. Cụm gương “zin” sẽ được tháo ra và người thợ sẽ chế tác lại các chi tiết bên trong. Kết quả thực tế cho thấy ngay cả khi củ gương bị bẻ cong gập xuống chạm sát vỏ xe, hoặc xoay vặn 180 độ theo bất kỳ hướng nào, cũng vẫn bám chắc lấy cửa xe chứ không hề đứt rời.
Khắc “tên”
Cơ sở này giới thiệu sau khi gương đã độ lại thì bẻ, giựt cỡ nào thì gương vẫn y nguyên
Khắc “tên”
Khắc lên mặt gương tên chủ xe hoặc số điện thoại bằng axit chuyên dụng. Những dòng khắc này sẽ đi theo mặt gương xe suốt đời và khó có thể tẩy xóa. Phương pháp này sẽ khiến trộm xe khó có thể bán lại cũng như là căn cứ để truy lùng nguồn gốc gương xe bị mất. Tuy nhiên, nó cũng khó tránh được nạn bẻ gương do đa phần kẻ trộm hoạt động nhanh gọn, dẫn đến tình trạng “bẻ nhầm” còn hơn bỏ sót.
Khắc tên bằng axit lên bề mặt gương để kẻ gian khó tiêu thụ
Mua bảo hiểm
Hiện nay, một số đơn vị bán bảo hiểm có thêm gói dịch vụ mua bảo hiểm mất cắp bộ phận. Tuy nhiên, mỗi công ty bảo hiểm sẽ có mức chi trả cũng như chính sách khác nhau. Vì vậy, khi mua khách hàng nên quan tâm tìm hiểu kỹ các thông tin về chính sách bồi thương như số lượng vụ mất cắp được bồi thường mỗi năm, số lượng phụ tùng được bồi thường trong mỗi vụ, mức khấu trừ do khách hàng chi trả, những điều kiện để được bồi thường, thủ tục và thời gian bồi thường….